Nét phác họa một số dân tộc trên thế giới

Người Ấn Độ luôn là người khó hiểu đối với mọi người. Người Do Thái như chim đổi mùa, sự lang thang của họ có tính bị động nào đó, họ là những người lang thang định mệnh, không tình nguyện, dường như là làm theo một lời nguyền nào đó. Cái gọi là nước Pháp có nghĩa là Paris sau vua Louis 14, nhưng Paris không thuộc về nước Pháp. Người Nhật Bản không giỏi sáng tạo nhưng lại khéo bắt chước tất cả những cái gì hay đẹp…


NGƯỜI ẤN ĐỘ

Người Ấn Độ luôn là người khó hiểu đối với mọi người. Họ rất mâu thuẫn mà lại rất hài hòa. Thậm chí họ không phải là một dân tộc thống nhất, vì việc thống nhất đối với họ không thấy hứng thú mấy. Họ chưa bao giờ cầu mong sự thống nhất, mà để cho hai mặt mâu thuẫn (hoan lạc và khổ hạnh, thánh thiện và tội lỗi, sáng tạo và hủy diệt) đối lập nhau mà tồn tại.



Ấn Độ coi vui chơi cuồng nhiệt là thiên kinh địa nghĩa. Ở Ấn Độ, đi tìm sự hoan lạc là tôn giáo. “Cái ấy” (Linga) của thần hủy diệt Siva, được coi là cột chống trời. Không có một dân tộc văn minh nào lại như người Ấn Độ, công khai trưng bày tác phẩm nghệ thuật nam nữ giao hoan; không có một tôn giáo nào lại coi bức tượng nam nữ giao hoan là thần tượng - phật hoan hỉ.


NGƯỜI DO THÁI

Người Do Thái như chim đổi mùa, sự lang thang của họ có tính bị động nào đó, họ là những người lang thang định mệnh, không tình nguyện, dường như là làm theo một lời nguyền nào đó. Thượng đế bảo họ: “Con không có nhà mà về đâu, phải phiêu bạt suốt đời”.


Khi người Do Thái không muốn làm nô lệ cho vua Ai Cập, khi họ trở thành tù binh của Babilon, khi họ bị mất Tổ quốc, khi họ hết lần này đến lần khác phải phiêu bạt chân trời góc biển, thì họ khao khát không phải là lang thang mà là gia đình và vườn tược.


Cuối cùng người Do Thái định cư ở khắp nơi trên thế giới, nhưng những người Do Thái đã định cư yên ổn vẫn không sao quên được cơn ác mộng bị xua đuổi và họ đã biến sự “xua đuổi” kia thành việc vận chuyển hàng hóa, buôn bán suốt năm tháng.


NGƯỜI PHÁP

Hơn 300 năm trở lại đây, người ta không còn biết gì Gallia của thời đại Cacsar (César) nữa. Cái gọi là nước Pháp có nghĩa là Paris sau vua Louis 14, nhưng Paris không thuộc về nước Pháp. Không có thủ đô nước nào to bằng Paris, Paris to hơn cả nước Pháp, Paris to đến nỗi vượt cả ra ngoài lãnh thổ nước Pháp.



Ở hai kẻ thù truyền thống của nước Pháp, nước Anh và nước Đức cũng có Paris. Mỹ cường thịnh mà Pháp coi thường cũng có Paris, Nữ thần Tự do ở Mỹ là tặng phẩm của Paris. Và người Mỹ sau khi chết không muốn lên thiên đàng mà muốn đến Paris.


Rousseau người Thụy Điển trở thành người Paris, Picasso người Tây Ban Nha trở thành người Paris. Paris là thủ đô của các thiên tài, thiên tài của toàn thế giới đều là cư dân của đô thành vẻ vang Paris. (Rabelais, Descarte, Debussy…)


NGƯỜI ANH

Nước Anh là đảo quốc, tình cảm của dân đảo làm cho nó trở thành đối xứng về văn hóa với nước Nhật. Nhật Bản và nước Anh như hai cái tai của hai đại lục Âu - Á: Thông tin nhanh, giỏi học tập các dân tộc khác. Hai nước này đều có khát vọng mở rộng biên giới ra ngoài đảo. Vì muốn mở rộng nên thường phát động chiến tranh.


NGƯỜI NHẬT BẢN

Người Nhật Bản không giỏi sáng tạo nhưng lại khéo bắt chước tất cả những cái gì hay đẹp. Dân tộc Nhật Bản không sản sinh ra vĩ nhân có ảnh hưởng đối với lịch sử thế giới, nhưng ở mỗi giai đoạn lịch sử đều đứng thứ hai trên thế giới. Ở phương Đông cổ đại, chỉ kém Trung Quốc; còn ở thế giới hiện đại chỉ thua Mỹ.



Khi triều đình nhà Đường của Lý Thế Dân cường thịnh nhất, Nhật Bản dường như học Trung Quốc tất cả mọi thứ. Nước Anh thời Victoria trở thành cường quốc, Nhật Bản đã mau chóng chuyên chở thành quả cách mạng công nghiệp của Anh về nước họ.


Rồi nước Đức trở thành cường quốc số 1, thế là Nhật Bản lập tức học theo chủ nghĩa quân phiệt của nước Phổ. Sau đó, liên minh với nước Đức Hitle và lần thứ hai khiêu chiến với nước Mỹ. Thật là không may, họ thất bại. Nhưng họ lập tức học tập kẻ thù không chút do dự.


NGƯỜI ĐỨC

Người Đức là dân tộc rất kỷ luật, là người “Do Thái” của châu Âu. Vì thế, không có một quốc gia châu Âu nào lại như nước Đức, thích hợp cho người Do Thái mất tổ quốc đến định cư, đại đa số những vĩ nhân người Do Thái đều là người Do Thái sống ở Đức.


Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào bài xích Do Thái điên cuồng nhất của người Đức, bởi vì dân tộc Đức ngạo mạn tự phụ, không thể chịu đựng được sự “dạy dỗ” của các giáo sư người Do Thái, không thể tiếp nhận sự “bố thí” của các phú ông Do Thái.


Khách quan mà nói, người Đức là dân tộc châu Âu được ân huệ của người Do Thái nhiều nhất, nhưng bất cứ người nào cũng đều không muốn cảm ơn người mà mình khinh rẻ, giữa các dân tộc với nhau cũng thế.


Người Đức nhận được ân huệ của người Do Thái càng nhiều thì họ càng căm thù người Do Thái - khi anh không tìm được lý do đàng hoàng để căm thù ân nhân của mình thì anh chỉ ngầm nghiến răng nghiến lợi; còn khi anh có thể tìm được lý do đàng hoàng (người Do Thái là dòng giống của Zuda từng bán rẻ Jesus) để đả kích ân nhân của anh thì anh càng cuồng nhiệt đả kích ân nhân của mình hơn cả đả kích kẻ thù.


NGƯỜI MỸ

Hy Lạp là tuổi thơ đầu tiên của nhân loại. Nước Mỹ là tuổi thơ thứ hai của nhân loại; hoặc là nói văn hóa mới tương lai sẽ lấy nước Mỹ làm Hy Lạp của nó, vì thế nước Mỹ là Hy Lạp thứ hai. Người Mỹ và người Hy Lạp đều không thuần thục như nhau, nhưng người Mỹ cũng có nhiều ước mơ như người Hy Lạp.


Đầu tiên cần phải phân biệt mộng tưởng cá nhân của mỗi người Mỹ, nhất là của những di dân mới của nước Mỹ (thường không phải là cao thượng) với lý tưởng mới của tương lai nhân loại mà dân tộc Mỹ ngưỡng mộ (tổng kết toàn bộ ý nghĩa của nó còn là quá sớm).


Thứ hai, cần phải phân biệt ý chí tập thể của toàn thể người Mỹ với ý chí cá nhân của những nhà chính trị Mỹ; người Mỹ cá biệt có lẽ rất bình thường, nhà chính trị Mỹ cá biệt có lẽ khá tầm thường. Nhưng kỳ tích chân chính của nước Mỹ là vượt lên trên nhược điểm nhân tính cá thể của nhân loại và tật xấu tất yếu của mọi chế độ, nó thể hiện đầy đủ trí tuệ tối cao của toàn thể dân tộc. Đó có lẽ là chỗ vĩ đại của người Mỹ hơn hẳn người Hy Lạp chăng!


NGƯỜI TRUNG QUỐC

Đặc điểm của người Trung Quốc là ham mê làm việc, có lẽ trên thế giới ít có dân tộc nào lại yêu thích công việc như người Trung Quốc. Chữ nam (男) chỉ người đàn ông gồm hai chữ điền (田) và lực (力) ghép lại (có nghĩa là sức lao động ở đồng ruộng). Chữ phụ (đàn bà) gồm chữ nữ (女) và chữ trửu (cái chổi 帚) ghép lại (có nghĩa là người đàn bà cầm chổi). Chữ gia (家) (có nghĩa là dưới mái nhà có con lợn). Tóm lại, nếu không làm việc thì không phải là người Trung Quốc.



Người Trung Quốc truyền thống rất khiêm tốn, họ gọi văn mình viết ra là “chuyết tác” (tác phẩm thô vụng), họ gọi con họ là “khuyển tử” (chó con), gọi vợ mình là “chuyết kinh” (người nhà quê vụng về), họ gọi nhà họ là “hàn xá” (nhà nghèo), họ tự xưng là “bỉ nhân” (người ở vùng xa không biết lễ nghi). Đến Hoàng đế Trung Quốc cũng tự xưng là “quả nhân” (người không có đạo đức) hoặc “cô” (người không được ai hỏi han). Nếu như bạn nghe thấy người Trung Quốc nói: “Tôi chẳng biết gì, mong học tập nhiều ở ngài”, thì đừng nghĩ họ là người thiếu tự tin, kỳ thực là họ muốn bạn biết rằng họ nói năng lễ phép. Nếu họ mời bạn ở lại ăn “cơm muối” thì bạn cứ ở lại, cơm của họ không được như quốc yến thì cũng khá ngon đấy.


Người Trung Quốc thấy những sản phẩm của văn minh phương Tây, ít khi tỏ ra khâm phục. Người Trung Quốc thấy máy tính điện tử, nói: “Từ lâu chúng ta đã có bàn tính rồi”. Người Trung Quốc thấy tivi nói: “Ôi, trong Phong thần diễn nghĩa, từ lâu đã nói tới rồi”. Lô-gích của họ là: Trung Quốc có lịch sử 5000 năm, thế giới có cái gì thì Trung Quốc có cái đó.

2 comments:

kenvin54 said...

hay, tinh vi;))

WonBin said...

có nét phác họa của người Việt Nam là gì nhỉ ;)) ;))

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger