Bạn có vô cảm?

“Trên đường đi dạy, tôi thấy một nhóm nữ sinh vây lại đánh một em khác khiến quần áo dài của cô bé rách toang, máu me đầy mặt, trong khi hàng trăm học sinh khác chỉ tò mò đứng xem”, cô giáo Phương Lan đau đáu.

Chứng kiến cảnh này, cô giáo dừng xe lại và đề nghị các học sinh giải tán, song nhóm nữ sinh kia còn đòi lao vào đánh cả cô. Rất may lúc đó có một thầy giáo can thiệp kịp, giúp cô Lan vực em gái kia dậy và đưa vào trạm xá gần đó để băng bó vết thương.



“Học trò bây giờ bạo lực quá, sẵn sàng hành hung người khác vì bất cứ lý do gì. Tôi từng nghe học trò phản ánh về những cuộc thanh trừng đẫm máu của các nhóm nam sinh để trả thù hoặc vì lý do tình cảm. Nhưng hôm đó trực tiếp chứng kiến các nữ sinh ra tay với cô bé cùng lớp như băng nhóm xã hội đen, trong khi hàng trăm nam thanh nữ tú chỉ đứng nhìn, tôi thực sự sốc và thất vọng”, cô giáo dạy văn cấp 3 tại Đồng Nai kể lại.

Làm việc 15 năm trong ngành giáo dục, chứng kiến sự thay đổi trong lối sống của các thế hệ học sinh, cô Lan lo lắng: “Sự xuống cấp về đạo đức trong giới trẻ bây giờ thực đáng ngại, không còn chỗ cho sự tha thứ, cảm thông. Dường như bạo lực đang chiếm vị trí thượng tôn trong các mối quan hệ”.

Kim Hường, sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM nhìn nhận, ngày nay không còn nhiều bạn trẻ nhường ghế cho người già, phụ nữ trên xe buýt nữa; hay chứng kiến những cảnh tượng tai nạn giao thông, cướp giật trên đường, ít người dám ra tay giúp đỡ hay ngăn cản "bởi ai cũng sợ bị liên lụy”.

Cô cũng thú thực nếu gặp người bị nạn chắc cũng không dám giúp đỡ. "Trên thực tế đằng sau hành động nghĩa hiệp còn cả khối trách nhiệm dân sự phải thực hiện rất tốn thời gian, nào là khai báo với bệnh viện, rồi năm lần bảy lượt lên trình diện chính quyền hay công an. Đó là chưa kể khi người đó chết, mình sẽ bị nghi là thủ phạm mà mình lấy đâu bằng chứng chứng minh ngược lại”, cô gái trẻ cho biết.



Hường băn khoăn, ngày xưa ở nhà được bố mẹ dạy ra đường gặp người hành khất phải giúp đỡ. Song sống ở thành phố có quá nhiều người giả xin ăn nên Hường trở nên nghi ngờ tất cả. Cô nói: “Nhiều lúc sinh viên còn nghèo hơn họ. Hồi đầu, thấy một bà cụ mù đi với cháu gái nhỏ đến xin tiền, tôi không cho, cảm giác cũng áy náy lắm. Nhưng dần dần tôi trở nên bình thường hơn, không còn bứt rứt như trước nữa, song nghĩ bản thân đang ngày càng vô cảm, cũng sợ lắm”.

Tìm kiếm từ khóa "vô cảm trong xã hội" trên mạng Google, chỉ trong vòng 0,23 giây bạn sẽ nhận lại đến gần 35 triệu kết quả, gồm những bài nghiên cứu, bình luận trên web, blog, facebook, diễn đàn… lên án căn bệnh vô cảm xoay những vụ việc nổi cộm như: sinh viên trường Đại học Ngoại thương chặt đầu người yêu phi tang, Chủ tịch huyện ém nhẹm tiền hỗ trợ nạn nhân bão lụt, tài xế gây tai nạn cố tình cán chết người...

Khảo sát nào anh em >:)







Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Toản, Thạc sĩ xã hội học, giảng viên trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM cho rằng, sự vô cảm là sản phẩm của quá trình đô thị hóa. Nó trở nên phổ biến và không thể cưỡng lại trong thời kỳ công nghiệp như Việt Nam giai đoạn này. Khi phải bon chen mưu sinh, ai cũng lo bảo vệ lợi ích cá nhân thì sự vô cảm với xã hội sẽ nảy sinh. Biểu hiện ban đầu là không quan tâm đến người khác, rồi dần dần sẵn sàng sát hại đồng loại vì lòng tham.

Nhà nghiên cứu xã hội học nhìn nhận, con người đô thị thường mang tính duy lý. Họ duy trì các mối quan hệ với nhau không vì tình cảm mà chủ yếu vì lợi ích. Chẳng hạn người bán hàng cố gắng chiều lòng "thượng đế" để đôi bên cùng có lợi, hoặc một nhân viên quan tâm thăm hỏi sức khỏe của sếp bởi đấy là người có quyền sa thải hay thăng chức cho mình.

Để tự bảo vệ lợi ích bản thân, người ta có thể từ chối một số mối quan hệ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ hay gây ra những rắc rối không mong đợi. Điều này lý giải hiện tượng khi thấy tai nạn giao thông, nhiều người có xu hướng tránh không dây vào, bởi họ đắn đo về sự có mặt của mình chưa chắc đã làm cho sự việc tốt đẹp hơn. "Bên cạnh đó giúp người còn khiến không ít người mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và đảo lộn nhịp sống hàng ngày của mình”, ông Toản khẳng định.

Sự phân chia chức năng trong xã hội đô thị cũng là nhân tố gây nên hiện tượng này, theo chuyên gia này. Chẳng hạn trách nhiệm giữ trật tự xã hội, xử lý tai nạn giao thông là của công an, cảnh sát. Hơn nữa, trong một khối lượng xe khổng lồ lưu thông trên đường mà có nhiều người dừng lại giúp nạn nhân chưa chắc đã làm cho tình hình tốt hơn, thậm chí càng làm giao thông tắc nghẽn. Với lý giải này, người ta dễ làm ngơ trước những cảnh tượng mà đáng ra họ có thể giúp đỡ.

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối quan hệ giữa sự vô cảm với độ tuổi hay văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, trên thực tế những người ra tay nghĩa hiệp thường ở độ tuổi 30-40 trở lên. Theo quan điểm cá nhân của ông Toản, những hành động mang tính nhân văn này thường gắn liền với kinh nghiệm sống, cộng với sự từng trải và đồng cảm. "Rất có thể họ đã từng bị mất mát người thân trong những trường hợp tương tự nên ra tay giúp đỡ mà không hề nà, do dự", ông nói.

Trước thực trạng tuổi trẻ ngày càng vô cảm trước tai ương của đồng loại, ông Toản cho rằng không thể trách vì họ không có lỗi, cũng như trải nghiệm chưa đủ nên chưa biết rung cảm trước những đau thương mất mát của người khác. Theo ông, vấn đề còn do thiết chế xã hội, pháp luật chưa bảo vệ được người trẻ trong những tình huống xảy ra xô xát.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên có cái nhìn quá bi quan về hiện tượng này, vì ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, kẻ nghĩa hiệp, người lãnh đạm. Bệnh vô cảm sẽ tự biến mất khi cuộc sống kinh tế đầy đủ, con người sống chậm lại và tìm về những giá trị tình cảm, tinh thần. Lúc đó con người sẽ nhận ra, tiền bạc vật chất không phải là tất cả, mà đó chỉ là phương tiện để mang người với người lại gần nhau hơn. Ngày nay nhiều gia đình ở thành phố cũng bắt đầu ý thức giữ gìn mối quan hệ họ hàng, láng giềng, như một dấu hiệu khả quan.

Trên phương diện khác, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh nhìn nhận, trong những vụ án gần đây, hầu như cha mẹ của hung thủ đều bất ngờ trước tội lỗi của con cái mình, thậm chí có người còn khẳng định con cái họ là những đứa con ngoan trong nhà. Yếu tố này cho thấy sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình, người làm bố mẹ đang quá chú trọng đến việc “nuôi” mà quên mất việc “dạy” con thành người.

Ông Thịnh cho rằng, thực tế hiện nay nhiều bậc cha mẹ sinh con ra nhưng chưa thấu hiểu kiến thức về giáo dục con cái. Đa phần họ áp dụng hình thức “sao y” từ thế hệ trước mà không thấy sự thay đổi quá nhanh của xã hội, nên rất khó để thích nghi.

5 comments:

Anonymous said...

dung'xem choi:))

ThanhLong said...

hehehe đứng xem thôi, cùng lắm rút phone call 113, tiện thể quay lại up lên PhapSu :))

sad said...

Nhiều lúc gặp chuyện bất bình hay đáng thương nhưng không biết làm gì, đôi khi làm người tốt cũng bị nghi ngờ có ý đồ này nọ, thế là đi luôn dù trong lòng cảm thấy áy náy lắm. Làm người tốt cũng khó thật!

chanchan said...

Mình lựa chọn giống bạn Sad vậy. Giờ lòng người thật khó đoán. Nhiều lúc đọc những bài viết như thế về học sinh thời nay, đâm ra ngại tụi nó ghê.

Anonymous said...

tất nhiên là đứng xem chơi =)) nhất là những vụ nữ xinh bem nhau :">

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger