Thí nghiệm vĩ đại nhất của nhân loại và nỗi lo ngày tận thế

Ngày 10/8, Cơ quan nghiên cứu nguyên tử châu Âu đã chính thức vận hành cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC).


Việc LHC đi vào hoạt động sẽ giúp các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giải mã nhiều bí ẩn to lớn về vật chất và vũ trụ. Nhưng nó cũng khiến người ta lo ngại, thí nghiệm này có thể tạo ra một lỗ đen nhân tạo và nuốt chửng Trái đất.



Sẽ có lời giải về nguồn gốc vũ trụ

Sau 9 năm kéo dài, việc xây dựng LHC đã hoàn tất vào năm nay. Toàn bộ tổ hợp máy hiện nằm ở độ sâu từ 50 – 171m dưới lòng đất ở khu vực biên giới Pháp - Thụy Sĩ, bao gồm một hệ thống đường hầm dùng để tăng tốc hạt với chiều dài lên tới 27 km. Với kích thước này, LHC là tổ hợp máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới hiện nay.


Ngày 10/9, người ta đã vận hành thành công cỗ máy và phóng thử các tia proton đầu tiên đi qua hệ thống đường hầm này, qua đó đặt những bước đi đầu tiên cho các thí nghiệm phức tạp hơn sau này.


Các máy gia tốc hạt hình tròn như LHC có khả năng tăng tốc các hạt nguyên tử hoặc hạt hạ nguyên tử dần dần đến một phần của tốc độ ánh sáng trước khi cho chúng va chạm.


Để làm được việc này, hai tia proton gồm hàng ngàn tỉ proton sẽ chuyển động theo hai hướng khác nhau trong các đường hầm thông qua sức đẩy từ trường và sự điều khiển của khoảng 1.600 nam châm siêu dẫn. Khoảng 1.323 nam châm có nhiệm vụ giữ các tia proton đi đúng hướng trong khi khoảng 392 nam châm khác có nhiệm vụ tập trung luồng proton


Khoảng 96 tấn heli lỏng sẽ được dùng để giữ các nam châm ở nhiệt độ - 273 độ C, giúp hệ thống vận hành tốt kể cả khi tia proton đạt tốc độ rất cao. Khoảng vài tuần sau khi được tăng tốc, các tia proton sẽ đạt tốc độ lên tới 99,9999% tốc độ ánh sáng. Đó là lúc người ta sẽ cho chúng va chạm với nhau.



Về lý thuyết, ở tốc độ cao, lực va chạm giữa hai luồng proton sẽ tạo ra một vụ nổ với sức nóng gấp 100.000 lần nhiệt độ tâm Mặt trời, qua đó tái hiện lại bối cảnh vũ trụ trong khoảng thời gian chưa đầy một giây sau khi vụ nổ Big Bang diễn ra, giúp giải mã hàng loạt bí ẩn khác nhau. Có sáu hệ thống dò các hạt nguyên tử và hạ nguyên tử sẽ được dùng để ghi nhận kết quả sự va chạm của hai tia proton phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.


Sự va chạm này sẽ tạo cơ hội cho giới khoa học bước vào lĩnh vực nghiên cứu mới với nhiều kết quả hứa hẹn như nguồn năng lượng tinh khiết (free energy), sự hình thành của vũ trụ, bản chất không gian và thời gian, vật chất tối và năng lượng tối, nguồn gốc sự sống, nguồn gốc vật chất và phản vật chất. Quan trọng hơn cả, người ta sẽ tìm thấy những chứng cứ về việc có tồn tại hay không “hạt Chúa trời” Higg Boson.


Các chuyên gia vật lý học và vũ trụ học cho rằng ngay sau khi hiện tượng Big Bang xảy ra, cả vũ trụ không có vật thể với trọng lượng mà chỉ có năng lượng.


Năm 1964, nhà khoa học Peter Higgs đã khởi xướng một lý thuyết về hạt hạ nguyên tử có tên gọi hạt Higg Boson. Hạt này hiện hữu trong chốc lát sau hiện tượng Big Bang với vai trò hoán chuyển năng lượng thành trọng lượng trong vật chất. Hạt này được cho là mắt xích còn thiếu trong mô hình cơ bản của vật lý hạt hiện đại. Những khám phá về hạt Higg Boson sẽ giúp nhân loại hiểu thêm về sự hình thành của vạn vật trong vũ trụ sau hiện tượng Big Bang.



Đảo lộn thế giới

Không ít người đã tỏ ra lo lắng trước hoạt động của LHC và các thí nghiệm của CERN. Những nhà khoa học như giáo sư người Đức Otto Rossler đã bày tỏ quan ngại rằng khi LHC hoạt động và các proton va chạm nhau với năng lượng lớn, một lỗ đen nhân tạo sẽ hình thành và nuốt chửng Trái Đất. Có người lại cho rằng sự va chạm sẽ tạo thành các hạt nguyên tử ở hai thể loại vật chất và phản vật chất.


Theo lý thuyết thì hai hạt này sẽ tiêu hủy nhau trong những vụ nổ hạt nhân. Các phần tử cuồng tín đánh giá LHC sẽ là cố máy chết chóc, đem đến ngày tận thế mà nhà tiên tri Nostradamus và sách vở tôn giáo đã nhắc đến. Thậm chí có người còn cho rằng máy LHC sẽ tạo nên một lỗ hổng không gian gọi là wormhole mà từ đó sẽ tuôn ra những điều bất ngờ khó lường.


Nhiều người khác cho rằng những kết quả nghiên cứu do LHC đem đến sẽ gây ảnh hưởng lớn đến giá trị tôn giáo khi các nhà khoa học tìm về nguồn gốc của vũ trụ, vạn vật.


Trong quyển “Angels and Demons” của nhà văn Dan Brown, ý tưởng dùng đến máy gia tốc hạt để chứng minh những lời phán trong Sách Sáng Thế (Genesis) đã được tác giả đề cập đến. Và trong quyển sách mới nhất, “Blasphemy” của tác giả Douglas Preston, điều mà các nhà khoa học tìm thấy khi kích hoạt và thử nghiệm máy gia tốc hạt Isebella không phải là “hạt Chúa trời” Higg Boson mà chính là đức Chúa.


Những người mộ đạo cho rằng nguồn gốc vật chất là lĩnh vực cấm, nơi Chúa trời ngự trị và con người không nên đặt chân tới tìm hiểu. Nhưng các nhà khoa học chỉ quan tâm tới sự thật. Với LHC có thể họ sẽ chứng minh được rằng vũ trụ và nhân loại được sinh ra hoàn toàn tự nhiên chứ không có bàn tay của Đấng tối cao nào cả.



Với quyết tâm ngăn chặn LHC hoạt động, mới đây Otto Rossler đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền châu Âu kiện 20 quốc gia tham gia dự án vì vi phạm nhân quyền. Mặc dù, Tòa đã bác đơn, nhưng nó cho thấy không phải ai cũng yêu thích LHC và khả năng giải đáp bí ẩn to lớn của nó.


Trước tình hình đó, Nhóm đánh giá độ an toàn của LHC đã công bố các báo cáo trong năm 2003 và 2008, khẳng định cỗ máy cực kỳ an toàn. Theo đó nhiều bức xạ vũ trụ (cosmic ray) phóng vào khí quyển trái đất mang theo năng lượng khổng lồ nhưng cũng không tạo nên lỗ đen tiêu diệt trái đất.


Trên lý thuyết, lỗ đen nhỏ nhất có thể ổn định và tăng trưởng khi có diện tích tối thiểu là 0,04 phần Mặt Trời. Trong khi đó, lỗ đen nhỏ nhất vừa được khám phá vào tháng 4/2008 có diện tích to gấp 3,6 lần Mặt Trời. Lỗ đen nhân tạo mà LHC tạo ra có thể sẽ không to bằng đầu cọng tóc và sau khi thoát nhiệt, sẽ biến mất.


Đối với nguy cơ xảy ra vụ nổ hạt nhân, thì cho dù có xảy ra, nhưng ở mức độ hạ nguyên tử và ở độ sâu cả trăm mét dưới lòng đất, sức tác động của nó không có gì đáng phải lo ngại.

3 comments:

BachHo said...

hoành tráng quá nhi !

eee said...

thí nghiệm này có thể tạo ra một lỗ đen nhân tạo và nuốt chửng Trái đất [-O<

HoangNguyen said...

ảo tung chảo :))

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger