Tây Bắc khôi hài ký

Người dân Tây Bắc sống quanh năm mây mù bao phủ nên vẫn còn rất chân chất và hoang dại.


Phiên chợ vùng cao


Tây Bắc, nơi ngút ngàn những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, cuộc sống của người dân trên những vùng núi đó ẩn chứa bao nhiêu điều lạ, kể không bao giờ hết...


"Đưa tiền đây thì cho chụp ảnh"

Chúng tôi đặt chân đến thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà, Điện Biên) là lúc giữa trưa. Cái nắng của Tây Bắc không hầm hập khó chịu như ở dưới xuôi. Chiều tà, anh lái xe đánh ô tô đưa chúng tôi đi lòng vòng trên những khúc cua của Quốc lộ 12 để vãn cảnh. Xe dừng lại ở khu vực xã Sa Lông. Một thằng bé khoảng 4-5 tuổi, cởi truồng, mặc chiếc áo mỏng, xoăn như lò xo, thấy người lạ liền toác miệng cười: "Hê lô! ". ái chõ, anh chàng này biết nói cả tiếng Anh cơ đấy. Tôi tròn mắt thán phục. Anh cán bộ Chi cục Thuế tên T. đi cùng bảo: "Nó thấy mình đi ô tô nên tưởng nhầm là Tây đấy. Thi thoảng cũng có mấy ông Tây Ba lô đi Min - khơ hoặc đạp xe đi qua đây khám phá, chụp ảnh. Bọn trẻ con tiếp xúc nhiều lần nên cũng học mót được mấy câu ngoại ngữ để "tiện" cho việc giao tiếp". Rồi anh này cũng cười đáp lại nó và bảo: "Nhóc, bọn tao không phải là Tây, biết chưa?".


Thấy thằng bé con ngơ ngác, hồn nhiên, tôi thò tay vào túi, rút máy ảnh, định giơ lên chụp thì một đứa khác lớn hơn khoảng vài tuổi, chạy từ trong nhà ra thủng thẳng: "Đưa tiền đây thì cho chụp! ". Tôi không hiểu ỏ, lại quay sang T. cầu cứu, anh cười khà khà: "Vì mấy ông Tây mỗi khi chụp ảnh xong lại cho chúng nó vài nghìn. Không biết ai xui, mà giờ cứ thấy có người chụp ảnh mình là các người mẫu phố núi cũng biết ra điều kiện đòi "cát - sê" đấy. Chị thấy gớm chưa? ". Thì ra là vậy, cũng đáng yêu đấy chứ.



Nụ cười hồn nhiên của những "người mẫu phố núi"


Lấy lý do muốn mua gà thả đồi, mấy anh em chúng tôi leo lên tận nhà 2 đứa trẻ. Trong nhà, 4 người lớn và gần chục đứa trẻ đang ngó nghiêng dò xét những "vị khách không mời mà đến". Hiểu ý, anh lái xe nhanh nhảu: "Mấy cán bộ này ở trên tỉnh về, muốn mua gà đấy". Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà lên tiếng: "Thế thì cán bộ vào nhà đi, uống với bố chén nước. Bố bảo vợ bố đi bắt gà". Chả mấy khi có cơ hội tiếp chuyện bà con, thấy bố cởi mở, hiếu khách, chúng tôi chả việc gì phải đắn đo, tự kiếm ghế mà ngồi. Người dân miền núi chân chất, thật thà. Bố bảo: "Nay có anh giai với chị dâu và các cháu của bố ở tận trong bản ra chơi. Vui lắm!".


Anh lái xe trêu "bố": "Thế bố có con gái lớn không? Gả cho con nhé! ". "Bố" cười tít mắt, mà rằng: "Bố có 5 đứa con. Con gái lớn của bố năm nay đã 17 tuổi rồi. Nhưng nó mới đi lấy chồng. Còn con thứ hai 15 tuổi, cũng lớn lắm! ". Tôi bảo: "Thế bố cũng lấy vợ muộn gớm nhỉ? ". " Â, 18 tuổi bố mới lấy vợ", "bố" đáp. "Thế ra năm nay "bố" bao nhiêu tuổi? ". "Bố" vỗ vai anh lái xe: "Năm nay bố tròn 36 mùa trăng rồi! ". Anh lái xe cười hềnh hệch: "Thế là bố chỉ kém con hai mùa trăng thôi đấy". Trời đất... thế mà nãy giờ, ai cũng nghĩ chắc "bố" khoảng 50 - 60 tuổi gì đấy. Thế là cả đoàn chúng tôi được trận cười no nê, còn "bố" và những người thân thì chẳng hiểu chúng tôi cười gì. Chắc cười "bố" vui tính!


Lúc ra về, ngoài tiền mua gà, chúng tôi biếu "bố" thêm 50 ngàn. Bố cảm ơn rối rít và bảo mấy đứa cháu "lại quả" một rổ dưa khiến chúng tôi rất xúc động. Tôi không biết là dưa gì nhưng trông vỏ trơn bóng, màu xanh xen lẫn những vết sọc mờ, giống như quả dưa chuột dưới xuôi, nhưng đường kính phải to bằng bắp chân người lớn. "Bố" bảo: "Sáng nay mang cả lu - cở (cái gùi) xuống chợ bán, giờ còn mỗi ngần này. Bao giờ các cán bộ lên Mường Chà, lại vào bố chơi nhé!"...


Anh cán bộ thuế bảo: "Đây là giống dưa mèo, quả to nhất phải gần 2 cân, ăn rất giòn, có mùi thơm đặc trưng của dưa chuột. Nó được trồng xen canh trong các nương lúa, ngô và hoa màu. ở chợ thị trấn, bà con bán mỗi quả 1.500 đồng, to nhỏ như nhau. Thế nên khoái nhất là đi chợ sớm, nhặt được quả to. Trưa mà ra đến chợ thì còn toàn quả bé tí tẹo, nhưng không bán kém giá". Thế mới biết, người dân vùng cao thật thà, chất phác và đáng yêu.


"Thích hả... cho đấy"

Trình độ hiểu biết pháp luật của bà con vùng cao cực kỳ giản đơn. Có lần, thấy một chiếc xe máy chở 3 người, cán bộ cảnh sát giao thông vẫy lại định nhắc nhở, nhưng anh tài xế lụa không những không dừng lại còn xua tay hét lên: "Hết chỗ rồi! ". Hoá ra, anh ta tưởng có người vẫy xe xin đi nhờ!...


Lại kể, con trai, con gái vùng sơn cước, cứ lớn lên, dậy thì, thích người khác giới và làm cái việc đó một cách hồn nhiên. Sự việc vỡ lở, công an vào cuộc thì mới biết mình vi phạm pháp luật. Trường hợp của Sùng A Tho, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) là một điển hình. Cho đến tận năm 17 tuổi, Tho chưa từng có bạn gái, ối người bảo Tho sắp... ế vợ!? Run rủi thế nào mà một hôm, trên đường đi làm nương về, Tho tình cờ bắt gặp cô bé Vừ Thị L., đang tắm ở khe suối Mường Báng. Tho buột miệng tán tỉnh đôi câu, không ngờ cô bé thản nhiên ứng khẩu: "Thích hả, cho đấy! "... Khoái chí, Tho lao vào bế thốc cô bé lên tảng đá và làm "cái chuyện của người lớn"... Xong, cô bé còn "thưởng" cho Tho 3 quả bứa về nấu canh. Một ngày kia, bụng cô bé cứ lùm lùm phình ra, nghi cô bé bị giun, bố mẹ lên trạm xá mua cả đống thuốc tây về tẩy, nhưng chẳng thấy tiến triển, cái bụng cứ ngày một lớn. Đưa đến trạm xá, y tá bảo cô bé có thằng người trong bụng! Gia đình cô bé L. bắt Tho phải bồi thường bằng 1 con lợn 60 cân, gạo nếp 20 cân và 300 nghìn đồng.



Rượu say, bám đuôi ngựa mà về


Nhà Tho quanh năm ăn ngô, ăn sắn, một xu dính túi chẳng có, lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy mà bồi thường! Thế là, gia đình L. làm đơn tố cáo, Sùng A Tho bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi hiếp dâm trẻ em (vì L. lúc ấy chưa đầy 13 tuổi). Tho đi tù, nhưng mãi sau, anh ta vẫn không hiểu tại sao người ta lại bắt mình khi mình làm cho người khác "vui", thậm chí còn được "thưởng" bằng mấy quả bứa hẳn hoi!


Chưa hết, một cán bộ tư pháp của tỉnh kể: "Mỗi lần anh em đi thu tiền án phí tận những bản vùng cao, vùng sâu. Xe đạp chẳng leo lên được, đành phải đi bộ. Cởi quần áo dài, vắt lên cổ, đi rừng cho đỡ vướng. Gần đến nơi mới khoác quần áo của ngành vào để làm nhiệm vụ. ấy thế mà khi vào nhà, chỉ thấy mấy bắp ngô treo trên gác bếp, chẳng có cái gì đáng giá, đành ngậm ngùi quay về. Đến lần thứ 3, chả lẽ lại về không, thôi thì bảo chủ nhà bắt tạm con gà về cơ quan, anh em liên hoan, đến tháng lấy lương mình bù vào trả tiền án phí cho đương sự".


Thú vị phiên chợ vùng cao

Lần khác, tôi có chuyến công tác tận Mèo Vạc (Hà Giang). Mờ sáng, rất nhiều tốp nam thanh, nữ tú từ các bản làng trên đỉnh núi mù sương xuống chợ. Mấy chàng trai cầm theo khèn, đèn pin hoặc chiếc đài thu thanh nhỏ, còn các người đẹp cầm ô hoa líu ríu đi tụm năm, tụm ba.


Chợ phiên vùng cao thú vị ra phết, có anh chàng cắp con lợn còi, đen trùi trũi ở nách, có ông dắt con chó lóc cóc theo sau, hoặc tay xách xâu cá suối bé tí teo bằng ngón tay... miễn là những thứ gì bán được để có tiền mời bạn bè vào quán, chén một bát thắng cố nóng hôi hổi, uống bát rượu ngô thơm nức, thật say mới về, say la đà, say nghiêng ngả trời đất mới bõ công đi chợ...


Có anh chàng mang lợn đã mổ xuống chợ bán, khách mua thắc mắc lắm mỡ, anh đưa luôn dao cho khách, thích cắt miếng nào thì cắt, giá nạc và mỡ cũng như nhau, không mặc cả. Chả vậy mà, người Kinh lên vùng cao buôn bán rất dễ phát tài nhờ biết tận dụng tính thật thà của bà con. Họ tha hồ mua rẻ rồi bán đắt, nhưng vẫn được người mua vui vẻ chấp nhận. Chỉ có điều, nếu để ban quản lý khu chợ biết thì sẽ bị phạt rất nặng.


Một chị xách đôi gà mái xuống chợ, đòi 50 nghìn /một con, có người trả 45 nghìn thì nhất định không bán, gần trưa, người khác lại trả 48 nghìn /một con cũng không bán, thế là mang về.


Chợ tàn, cũng là lúc biêng biêng cả rồi. Nhưng dù có say thế nào, người ta cũng không quậy phá, không gây gổ, say thì bám đuôi ngựa cho vợ dắt về. Nếu say ngà ngà thì ngồi trên lưng ngựa mà gật gù, say bí tỉ thì nằm vắt bụng lên lưng ngựa cho vợ dắt, say không biết gì nữa thì nằm thẳng cẳng ra ven đường mặc kệ trời nắng vì đã có váy vợ làm ô, khi nào tỉnh, lại ríu rít dìu nhau mà về...

1 comments:

BachHo said...

hì hay quá nhỉ

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger